HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CLICKY – CÔNG CỤ PHÂN TÍCH WEB MẠNH MẼ, DỄ DÙNG VÀ MỘT SỐ ỨNG DỤNG CỦA NÓ CHO CHIẾN DỊCH GOOGLE ADWORDS
Để thành công trong bất cứ công việc kinh doanh nào, bạn cần phải hiểu rõ khách hàng của mình. Đối với kinh doanh online, việc theo dõi và phân tích hành vi khách truy cập vào website của bạn là điều cực kỳ quan trọng. Đặc biệt khi bạn triển khai các chiến dịch online marketing-điển hình là Google Adwords, hoặc nếu Adwords là nguồn thu hút khách hàng tiềm năng chính của bạn thì việc phân tích hành vi của visitors mang ý nghĩa quyết định đến hiệu quả kinh doanh.
Để thực hiện việc phân tích web này, hầu hết mọi người dùng Google Analytics-công cụ miễn phí có sẵn của Google. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả Google Analytics là điều không hề đơn giản. Hôm nay mình sẽ giới thiệu một công cụ phân tích web khác cũng rất mạnh mẽ nhưng dễ dùng hơn và có một số tính năng vượt trội hơn hẳn so với Google Analytics.
Công cụ mình đang muốn nói đến là Clicky (https://clicky.com).
Clicky cung cấp cả tài khoản miễn phí và trả phí.Tùy vào số website bạn muốn phân tích và các chức năng bạn muốn dùng mà bạn đăng ký một tài khoản phù hợp.
Chi tiết về các gói tài khoản và chức năng bạn có thể xem ở link bên dưới:
https://clicky.com/user/upgrade
Xem thêm:
So sánh Clicky với các công cụ phân tích web khác:
I. CÀI ĐẶT CLICKY
Cách cài đặt Clicky cũng tương tự như Google Analytics: Sau khi đăng ký tài khoản bạn sẽ nhận được một đoạn mã theo dõi, bạn nhúng đoạn mã này vào web của mình theo như hướng dẫn là xong.
Tip: Nếu website của bạn sử dụng wordpress thì bạn có thể sử dụng Plugin Clicky by Yoast ở link bên dưới để cài đặt nhanh và dễ dàng hơn.
https://wordpress.org/plugins/clicky/
II. ỨNG DỤNG CỦA CLICKY VÀO ADWORDS
1. Loại trừ IP click tặc vào quảng cáo Adwords của bạn:
Clicky liệt kê đầy đủ tất cả các IP truy cập vào website của bạn, bao gồm thống kê cụ thể số lần truy cập và nguồn truy cập. Chức năng này giúp bạn loại trừ những IP của đối thủ cạnh tranh đang click tặc vào quảng cáo của bạn. Cách thực hiện như sau:
Trong cửa số Dashboard, click vào mục Visitor:
Click vào link Google.com.vn để lọc ra các visitor đến từ Google:
Trong màn hình tiếp theo, click vào “Thêm một bộ lọc” và chọn “Nguồn lưu lượng truy cập” là Advertising để lọc tiếp các visitor đến từ quảng cáo Adwords chứ không phải từ Organic Search:
Ok, giờ thì bạn đã có danh sách visitor đến từ quảng cáo Adwords. Tiếp theo bạn chọn “Thêm một bộ lọc” và chọn “Địa chỉ IP” để xem thống kê các IP đã vào website của bạn từ nguồn truy cập này, cửa sổ thống kê IP sẽ hiện ra(hình chụp bên dưới là thống kê trong 1 tuần):
Bạn có thể click vào từng IP để xem chi tiết hành vi của visitor đến từ IP đó. Chẳng hạn mình click vào IP truy cập nhiều nhất, kết quả như bên dưới:
Bạn có thể thấy, mỗi ngày visitor từ IP này click vào quảng cáo từ 2-3 lần, và truy cập vào website xong thoát ra luôn chứ không có tương tác gì hết -> Đích thị là click tặc.
Vậy là bạn đã có IP của “các thành phần không đứng đắn” click tặc vào quảng cáo Adwords của bạn. Việc tiếp theo là đi đến mục loại trừ IP trong phần cài đặt chiến dịch của bạn và add địa chỉ IP này vào. Như vậy là bạn đã loại bỏ được một đối thủ cạnh tranh chơi xấu.
Với các từ khóa có giá CPC cao thì chức năng thống kê IP này sẽ có ý nghĩa rất lớn, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền từ việc click tặc của đối thủ.
Các từ khóa của mình không đắt lắm nên mình thường check sau 5-7 ngày. Nếu giá CPC từ khóa của bạn cao ngất thi nên check thường xuyên hơn, chẳng hạn 2 ngày 1 lần và loại trừ ngay các IP nghi ngờ.
TIP: – Khi bạn đã lọc danh sách visitor đến từ Google và đến từ Advertising, hãy bấm nút “Lưu bộ lọc này” và đặt tên cho nó, chẳng hạn “Visitor từ Adwords”. Sau này mỗi khi bạn cần xem danh sách visitors đến từ Adwords thì bạn chỉ cần bấm vào “Bộ lọc đã lưu” và chọnbộ lọc đó là xong chứ không cần làm lại từ đầu.
– Chọn khoảng thời gian để thống kê ở góc phải phía trên cửa sổ dashboard.
2. Xem thông tin chi tiết các visitor đã chuyển đổi (Khách đã mua hàng của bạn).
Nếu Adwords là nguồn lưu lượng truy cập chính của bạn thì để đánh giá hiệu quả của một chiến dịch Adwords và có những điều chỉnh phù hợp thì bạn phải tìm cách đo lường được các chuyển đổi (ít nhất phải biết được từ khóa nào, quảng cáo nào,… mang lại hiệu quả để điều chỉnh chiến dịch Adwords phù hợp). Với các website bán hàng trực tuyến, chẳng hạn như một khóa học (Khóa học Adwords của Anh Hiển chẳng hạn) thì việc theo dõi chuyển đổi là rất dễ dàng. Với các website bán hàng Offline thì khó khăn hơn nhưng vẫn có cách để theo dõi với độ chính xác tương đối như một số thủ thuật bên dưới.
Một khi cài đặt chuyển đổi rồi thì bạn có thể phân tích và đánh giá chuyển đổi dựa vào báo cáo chuyển đổi của Adwords kết hợp với báo cáo của Clicky để có cái nhìn sâu sắc hơn về khách hàng của bạn.
Bước 1: Cài đặt theo dõi chuyển đổi cho website của bạn.
- Với các website mà khách hàng đăng ký mua hàng trực tuyến ngay trên web:Việc theo dõi chuyển đổi rất dễ dàng, bạn chỉ cần tạo một trang “Thank you” hay “Xác nhận đặt hàng thành công” và sau khi khách hàng đã hoàn thành việc đăng ký mua hàng thì tự động đến trang này.
- Với các website mà khách hàng chỉ xem thông tin và sau đó mua hàng Offline(tới cửa hàng để mua): Việc theo dõi chuyển đổi khá khó khăn, tuy nhiên vẫn có cách thực hiện với độ chính xác khá cao. Phương pháp ở đây là hãy tạo một trang theo dõi chuyển đổi và đưa vào quy trình mua hàng của khách hàng.
Ví dụ: Website của bạn bán laptop, và thường thì khách hàng sẽ xem thông tin rồi tới cửa hàng mua. Bạn có thể làm như sau để theo dõi được hành vi của khách hàng mua hàng của bạn:
– Trường hợp cửa hàng của bạn đang có chương trình giảm giá (Giảm giá thật hay “ảo” tùy vào chiến lược bán hàng của bạn): Đừng thể hiện ngay thông tin này ở trang sản phẩm mà hãy tạo một trang “Coupon giảm giá cho khách hàng may mắn” và chèn link vào. (Hãy ghi chú thêm là mã giảm giá chỉ áp dụng cho một số lượng có hạn khách hàng may mắn, sẽ kết thúc sớm,.. bla..bla..bla….)Khi tới mua hàng tại cửa hàng, khách hàng muốn được giảm giá thì phải cung cấp mã giảm giá được cung cấp trên trang đó.
“Chiêu thức” này có 2 tác dụng:
+ Tạo sự khan hiếm: Khách hàng tin rằng số lượng mã giảm giá là có hạn và mình may mắn mới mua được với giá ưu đãi -> Thúc đẩy họ hành động.
+ Nếu họ có ý định tới cửa hàng mua thì chắc chắn sẽ click vào link để vào trang Coupon giảm giá và ghi lại mã Coupon. Còn nếu họ chưa có ý định mua của bạn thì sẽ không bao giờ vào trang mã coupon này làm gì -> Việc theo dõi chuyển đổi sẽ khá chính xác.
– Tương tự như vậy, nếu cửa hàng của bạn có quà tặng đặc biệt khi mua hàng: Hãy tạo một trang mới để khách hàng truy cập để nhận Coupon quà tặng, hoặc là phải điền thông tin vào form nhận quà tặng trước khi tới mua hàng trực tiếp,…
Tóm lại, phương pháp ở đây là tạo một trang mới và khi khách hàng vào trang này, họ sẽ có được vài quyền lợi đặc biệt nào đó như được giảm giá, được tặng thêm quà tặng,…Tùy vào chiến lược bán hàng và sự sáng tạo của bạn để tạo ra một trang phù hợp.
Ok, xong bước này coi như bạn đã có một trang “Xác nhận đặt hàng thành công” để theo dõi chuyển đổi rồi. Bước tiếp theo là cài đặt theo dõi chuyển đổi trong chiến dịch Adwords của bạn và kết hợp phân tích chuyển đổi trong Adwords và phân tích chuyển đổi trên Clicky để tối ưu hóa tỉ lệ chuyển đổi của bạn.
Bước 2:Phân tích hành vi các khách hàng đã chuyển đổi.
Bên dưới là một số bộ lọc mà mình hay sử dụng để phân tích hành vi khách hàng:
a. Bộ lọc Khách đã mua hàng là Khách thăm mới/Khách trở lại-> Phục vụ cho chiến dịch Remarketing
Trong phần “NỘI DUNG” của dashboard, bạn click vào link của trang theo dõi chuyển đổi ( trang “Thank you” hoặc là “Xác nhận đặt hàng thành công” của bạn) để có danh sách các visitor đã chuyển đổi(mua hàng):
Click vào “Thêm một bộ lọc” và chọn “Khách thăm mới” để có danh sách khách hàng mua hàng ngay khi vào website của bạn:
Hãy thống kê số lượng khách hàng này.
Tiếp theo, thống kê số lượng khách mua hàng không mua hàng ngay từ lần truy cập đầu tiên: Làm như trên nhưng thêm vào bộ lọc “Khách trở lại” thay vì “Khách thăm mới”:
Hãy thống kê tỉ lệ khách mua hàng ngay lập tức và khách mua hàng ở những lần sau.
Đối với website mình đang phân tích thì tỉ lệ khách mua hàng ở những lần sau luôn chiếm từ 70-80% và chỉ 20-30% khách vào website là mua hàng ngay.Tỉ lệ này sẽ thay đổi tùy vào tính chất sản phẩm và đối tượng khách hàng của bạn.Thông thường thì nếu sản phẩm bạn đang bán không phải là độc quyền thì khách hàng sẽ có sự nghiên cứu so sánh ở nhiều website chứ không quyết định mua hàng ngay.Sản phẩm càng có giá trị và càng phức tạp thì thời gian ra quyết định càng lâu.
Ngoài ra, khi bạn đã cài đặt tỉ lệ chuyển đổi trong Google Adwords thì bạn có thể xem trực tiếp báo cáo chuyển đổi ngay trong Adwordsđể có thêm thông tin:
Trong chiến dịch Adwords Chọn “Công Cụ” -> “Chuyển đổi” -> “Kênh tìm kiếm”:
Cửa sổ “Kênh tìm kiếm” hiện ra, bạn chọn “Trễ thời gian” sau đó click vào “Từ nhấp chuột đầu tiên”:
Trong báo cáo trên thì bạn có thể nhận thấy hầu hết khách hàng mua hàng ngay trong ngày kể từ lần nhấp chuột đầu tiên vào quảng cáo. Kết hợp với báo cáo từ Clicky ở trên ( 70-80% khách hàng mua hàng ở những lần sau) thì chúng ta đã có được cái nhìn khá chi tiết về hành vi mua hàng của hầu hết khách hàng trên website:
Khách hàng không mua hàng ngay lập tức vào website mà sẽ truy cập nhiều trang web cung cấp các sản phẩm dịch vụ tương tự(website của đối thủ) để so sánh, tham khảo. Nhưng hầu hết các quyết định mua hàng đều xảy ra ngay trong ngày (sản phẩm trong bảng report mình đang phân tích có giá khá thấp nên khách hàng cũng không đắn đo nhiều mà sẽ quyết định ngay sau khi tham khảo 1 số website khác).
Vậy những dữ liệu này giúp ích gì cho bạn?
– Trước hết, việc biết được rằng hầu hết khách hàng không mua hàng ngay từ lần truy cập đầu tiên có ý nghĩa rất lớn: Ngày nay khách hàng có quá nhiều sự lựa chọn nên họ sẽ tham khảo một loạt các website cung cấp cùng loại sản phẩm dịch vụ để chọn ra thằng nào ngon nhất (uy tín, chất lượng, giá rẻ, nhiều quà tặng, bảo hành tốt…) trước khi ra quyết định mua hàng. Do đó, để giành được khách hàng từ các đối thủ thì bạn cần phải:
- Trên trang web của bạn: Bạn cần phải nêu bật được lợi thế cạnh tranh hay là USP( Unique Selling Proposition) của bạn: Đóng khung, highlight, tô màu xanh đỏ tím vàng gì đó, in đậm, in nghiêng, gạch chân,….làm sao cho khách hàng chú ý ngay đến USP của bạn. Hãy giúp trả lời câu hỏi trong đầu khách hàng tiềm năng của bạn: “Tại sao tôi nên mua hàng của anh mà không phải ở những nơi khác?”. Rất nhiều website không thể hiện được điều này. Chẳng hạn website bán laptop thì chỉ liệt kê ra một loạt các thông số kỹ thuật mà không nêu được lý do tại sao khách nên mua hàng của họ, nếu có đề cập tới cũng không thể hiện nổi bật trên web. Trong khi nếu khách hàng đã có ý định mua một loại laptop nào đó thì họ đã nắm rõ thông số kỹ thuật của nó rồi, họ chỉ đang tìm kiếm các yếu tố ngoài kỹ thuật mà thôi.
- Triển khai ngay chiến lược Remarketing. Khi khách hàng còn đang lang thang trên web tìm kiếm thông tin và chưa đưa ra quyết định thì hãy sử dụng remarketing để kéo họ quay lại website của bạn và mua hàng.
Câu hỏi đặt ra: Viết cái gì trong thông điệp remarketing của bạn?
->Hãy viết về lợi thế cạnh tranh(USP) của bạn. Bạn hơn tất cả các đối thủ khác ở điểm gì, hãy tập trung vào điểm đó( chú ý là USP của bạn phải có ý nghĩa lớn với khách hàng, hơn đối thủ ở một điểm nào đó mà khách hàng không quan tâm lắm thì vô nghĩa ). Việc truyền thông điệp remarketing tập trung vào USP của bạn sẽ giúp trả lời câu hỏi trong đầu của khách hàng và thúc đẩy khách hàng đưa ra quyết định mua hàng của bạn.
– Trong bản report trên, việc hầu hết khách hàng đều đưa ra quyết định mua hàng ngay trong ngày đầu tiên cho thấy chiến lược remarketing trong khoảng thời gian dài có thể sẽ không hiệu quả, vì sau một vài so sánh thì khách hàng đã quyết định mua của của mình hay của đối thủ rồi!( Chỉ là có thể, bạn cần phải triển khai remarketing và đo lường kết quả cụ thể mới đánh giá chính xác được).
Khoảng thời gian triển khai remarketing tùy thuộc vào tính chất sản phẩm bạn đang bán và đối tượng khách hàng tiềm năng của bạn: Nếu bạn đang bán các sản phẩm giá quá rẻ hoặc là khách hàng cần phải mua gấp thì bạn chỉ nên remarketing trong khoảng thời gian ngắn, vì kéo dài cũng không mang lại hiệu quả cao.
Ví dụ: Nếu bạn bán ốp lưng điện thoại thì khách truy cập chỉ cần tham khảo 1 vài website và ra quyết định mua hàng ngay chứ không cần phải suy nghĩ nhiều. Do đó chạy remarketing trong thời gian dài có thể sẽ không mang lại hiệu quả trong trường hợp này.
b. Thống kê tỉ lệ mua hàng theo thành phố để điều chỉnh chiến lược giá thầu Adwords:
Nếu bạn đang bán các sản phẩm số chẳng hạn như phần mềm hay ebook và các sản phẩm này được chuyển đến khách hàng dưới dạng download thì bình thường bạn không thể xác định được khách hàng đó đến từ đâu. Tuy nhiên, với Click bạn có thể phân đoạn được các khách đã mua hàng theo vị trí địa lý:
Trong phần “NỘI DUNG” của dashboard, bạn click vào link của trang theo dõi chuyển đổi ( trang “Thank you” hoặc là “Xác nhận đặt hàng thành công” của bạn) để có danh sách các visitor đã chuyển đổi(mua hàng):
Sau đó chọn bộ lọc “Thành phố” và chọn những thành phố có lượng truy cập vào nhiều nhất:
Thống kê số lượng khách chuyển đổi trên tổng số lượng truy cập ở thành phố đó bạn sẽ biết được những TP nào có tỉ lệ chuyển đổi cao và TP nào chuyển đổi thấp.
- Với những TP có tỉ lệ chuyển đổi cao: Có thể tăng giá thầu để thu hút nhiều visitor hơn và có thể ưu tiên ngân sách chạy remarketingnhiều hơn những tỉnh, TP khác.
- Nếu TP nào có tỉ lệ chuyển đổi quá thấp thì bạn có thể xem xét giảm giá thầu hoặc loại trừ hẳn ra khỏi chiến dịch Adwords để đỡ tốn chi phí mà hiệu quả không cao.
c. Một số thống kê khác:
- Clicky cung cấp thông tin chi tiết cho từng Visitor vào website của bạn nên bạn có thểxem được rất nhiều thông tin chi tiết về các khách đã mua hàng của bạn:
Click vào link trang chuyển đổi của bạn ( trang “Xác nhận đặt hàng thành công”) để xem danh sách khách hàng của bạn:
Sau đó click vào từng IP để xem chi tiết về từng khách hàng: Bạn sẽ có được thông tin chi tiết về khách hàng đó, họ xem những trang nào trên web của bạn, ở lại bao lâu, họ đến từ đâu, dùng trình duyệt web gì hệ điều hành gì, đến từ Google hay từ đâu,…
Khi bạn thường xuyên xem báo cáo chi tiết của từng khách hàng thì bạn sẽ có được cái nhìn khá toàn diện và sâu sắc về các khách hàng của bạn, từ đó điều chỉnh website và chiến lược Adwords phù hợp.
- Xem các trang được truy cập nhiều nhất( Bạn cũng có thể xem trong Google Analytics ): Trong phần nội dung của bảng điều khiển có thống kê số lượng truy cập của các trang. Ngoài trang chủ/landing page là trang được truy cập nhiều nhất thì bạn cần xem khách hàng quan tâm những trang nào nhiều nhất trên website và đầu tư cho các trang đó nhiều hơn:
– Chẳng hạn nếu visitor xem trang một sản phẩm liên quan nào đó thì bạn có thể có chiến lược Upsell cùng với sản phẩm chính, hoặc giảm giá đặc biệt khi mua 2 sản phẩm, hoặc là remarking sản phẩm liên quan đó khi khách hàng đã mua sản phẩm chính,…
– Nếu visitor xem trang liên hệ hay giới thiệu thì bạn xem lại bạn đã đầu tư nội dung tốt cho các trang này chưa? Đừng chỉ thể hiện những thông tin thông thường mà hãy xem các trang này là một phần trong chiến lược bán hàng của bạn: Chẳng hạn như thêm form Opt-in để thực hiện chiến dịch Email marketing, cung cấp đầy đủ thông tin, địa chỉ rõ ràng minh bạch, giới thiệu kỹ về công ty để visitor tin tưởng,…
- Và còn rất nhiều những bộ lọc khác cho phép bạn phân đoạn visitor rất dễ dàng. Tùy vào tính chất sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng của bạn mà bạn tạo ra các bộ lọc phù hợp để hiểu sâu sắc hơn về hành vi khách truy cập và khách hàng của bạn, từ đó có những điều chỉnh về chiến lược bán hàng, nội dung website và chiến dịch online marketing phù hợp.
Chúc bạn thành công!